A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TRƯỜNG THPT HƯỚNG HÓA TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI GIỮA HỌC SINH VỚI LÃNH ĐẠO NHÀ TRƯỜNG NĂM HỌC 2021-2022

Thực hiện thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT ngày 19/5/2020 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập; Hướng dẫn số 2033/SGDĐT-TCCB-CTTT ngày 29/9/2021 của Sở GD&ĐT về hướng dẫn nhiệm vụ chính trị và công tác học sinh, ngày 15/01/2022 trường THPT Hướng Hóa đã diễn ra Diễn đàn đối thoại giữa học sinh với lãnh đạo nhà trường, năm học 2021-2022.

Toàn cảnh chương trình đối thoại

Tham dự buổi đối thoại có cô Nguyễn Thị Thanh Nga- Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, các thầy  giáo trong Ban Giám hiệu,  Bí thư Đoàn trường, đại diện GVCN, và đại diện học sinh 29 tập thể lớp trong nhà trường.

 Đây là diễn đàn để học sinh gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo nhà trường về những vấn đề liên quan đến học sinh đang học tập tại trường . Thông qua đối thoại, nhà trường nắm bắt tư tưởng của học sinh, những vướng mắc, khó khăn và những đề xuất của học sinh trong học tập, rèn luyện, sinh hoạt. Từ đó có biện pháp thích hợp để giải quyết trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm, nhằm tạo điều kiện cho học sinh học tập tốt, rèn luyện tốt, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời đảm bảo thông tin hai chiều giữa học sinh với lãnh đạo nhà trường, tinh thần dân chủ trong nhà trường.

Buổi đối thoại diễn ra rất sôi nổi với tiết mục văn nghệ mở đầu của em Hoàng Thúy Quỳnh

Trải qua hơn 2 giờ đồng hồ thảo luận sôi nổi, các em đã bày tỏ mong muốn, nguyện vọng của mình thông qua 20 câu hỏi về  các nhóm vấn đề như: Công tác đổi mới, nâng cao phương pháp dạy và học; công tác kiểm tra, đánh giá; hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, thực hành các bài giảng trên lớp; điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo vệ sinh trong trường học; công tác hướng nghiệp cho học sinh lớp 12; văn hóa ứng xử trong nhà trường; tư vấn tình yêu tuổi học trò. Đặc biệt với sự năng động, sức sáng tạo dồi dào, các em mong muốn nhà trường thành lập và phát triển các câu lạc bộ  thể thao, âm nhạc, mỹ thuật… tạo điều kiện cho học sinh giao lưu, học hỏi, trau dồi kỹ năng mềm, phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống. Trong không khí hết sức thoải mái, thân thiện, cô Hiệu trưởng, các thầy Phó Hiệu trưởng nhà trường đã trực tiếp giải đáp, trả lời câu hỏi, cùng chia sẻ, trao đổi, tìm những giải pháp để tháo gỡ những lo lắng, băn khoăn của các em, đồng thời đưa ra những tư vấn, định hướng tương lai cho các em suy ngẫm, chọn lựa. Cuối diễn đàn, cô Nguyễn Thị Thanh Nga yêu cầu các em tham dự cần phải trao đổi, chia sẻ những thông tin tại buổi đối thoại đến các bạn trong lớp để biết và thực hiện trong thời gian tới. 

Lãnh đạo nhà trường giải đáp các thắc mắc của các em học sinh

Có thể nói, sự tin tưởng, cởi mở giữa lãnh đạo nhà trường và các em học sinh khiến cho buổi đối thoại trở thành một kênh thông tin vô cùng hữu ích, giúp lãnh đạo nhà trường lắng nghe để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực tế, điều chỉnh và bổ sung kế hoạch chỉ đạo, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và công tác quản lý, góp phần phát huy tinh thần dân chủ trong trường học, hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc.

Song song với chủ trương phát huy tính dân chủ ở cơ sở, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia góp ý xây dựng nhà trường trong sạch vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình hoạt động của nhà trường cũng như tạo kênh tiếp nhận thông tin để nhà trường có sự đánh giá khách quan chính xác về hoạt động giáo dục trường học. Kịp thời điều chỉnh lề lối làm việc và đảm bảo môi trường dạy và học tốt cho giáo viên và học sinh. Trường THPT Hướng Hóa tiếp tục triển khai xây dựng hòm thư góp ý “Điều em muốn nói”.

 

 Hòm thư “Điều em muốn nói” ra đời là kênh để thầy cô và học sinh đóng góp ý kiến cho nhà trường. Qua đó, giúp nhà trường nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của CBGV và học sinh để có phương pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Theo đó, 1 tuần hòm thư được mở 1 lần vào ngày thứ 7 hàng tuần và khi tiếp nhận thư góp ý, người tham gia mở hòm thư góp ý phải cam kết bảo đảm tính bảo mật của hòm thư. Thông qua nội dung thư khi mở nhà trường sẽ dựa trên sự hợp lý hay chưa hợp lý để đưa ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm điều chỉnh, tạo điệu kiện thuận lợi cho việc dạy và học cũng như các hoạt động vui chơi của các em.

           Có thể nói rằng việc lắng nghe ý kiến đóng góp của học sinh trước hết là để nhà trường và học sinh có sự thấu hiểu nhau hơn. Có những ý kiến của học sinh đã giúp nhà trường rà soát lại để điều chỉnh sao cho hợp lý. Từ đó, chính những góp ý của các em sẽ tác động đến giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học.


Tác giả: Trần Nguyễn Ngàn Phố, Trần Thanh Hà
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết